Đặc điểm Giáo_hội_Trưởng_lão

Thập tự giá Trưởng Lão

Tổ chức

Tín hữu Trưởng Lão tự phân biệt mình với các giáo phái khác qua thần học và cấu trúc tổ chức, hoặc theo cách gọi của họ, "trật tự trong giáo hội". Khởi nguyên của các giáo hội Trưởng Lão là Thần học Calvin, cơ cấu tổ chức của giáo hội dựa trên các Trưởng Lão. Chức vụ trưởng lão được phân biệt theo chức năng do giáo hội uỷ nhiệm: trưởng lão chuyên trách giảng dạy và trưởng lão đảm nhiệm công việc quản trị. Cả hai đều được tấn phong và có quyền tham dự các hội đồng giáo đoàn (session), chịu trách nhiệm về kỷ luật, giáo huấn và truyền giáo của giáo đoàn. Thường khi, đặc biệt là ở các giáo đoàn lớn, nhiệm vụ quản lý việc xây dựng cơ sở vật chất, tài chính, giúp đỡ người thiếu thốn trong giáo đoàn được giao cho một nhóm viên chức được giáo đoàn bầu chọn gọi là chấp sự, trong khi các trưởng lão chuyên trách giảng dạy (mục sư) chịu trách nhiệm về giáo huấn, tổ chức thờ phượng và ban thánh lễ. Mỗi giáo đoàn có quyền chọn và mời mục sư đến quản nhiệm, nhưng quyết định này phải được phê chuẩn bởi Đoàn Trưởng Lão (Presbytery).

Cấp trên của hội đồng giáo đoàn (session) là Đoàn Trưởng Lão, gồm có các mục sư và các trưởng lão đến từ các giáo đoàn. Đoàn Trưởng Lão gởi đại biểu đến dự các hội đồng cấp vùng hoặc cấp quốc gia gọi là Đại hội đồng, mặc dù đôi khi hiện hữu một cấp trung gian gọi là giáo hạt (synod). Cấu trúc giáo đoàn/trưởng lão đoàn/giáo hạt/đại hội đồng/ được áp dụng tại các giáo hội Trưởng lão có quy mô lớn như Giáo hội Scotland hoặc Giáo hội Trưởng Lão Hoa Kỳ; trong các giáo hội nhỏ hơn, cấu trúc này thường được giản lược bằng cách loại bỏ cấp giáo hạt. Hiện nay, Giáo hội Scotland cũng không còn duy trì cấp giáo hạt.

Giáo hội Trưởng Lão đặc biệt quan tâm đến giáo dục, nghiên cứu Kinh Thánh, các tác phẩm thần học, sự thông hiểu và giải thích các học thuyết của giáo hội thể hiện qua các bản tín điều được chấp nhận bởi các giáo phái thuộc cộng đồng Trưởng Lão. Quan điểm phổ biến trong giáo hội là kiến thức giúp thực hành tốt đức tin; tín hữu Trưởng Lão chú trọng đến việc biểu thị đức tin không chỉ bằng lời nói mà còn bằng việc làm, qua sự thể hiện tính hào phóng, hiếu khách và lòng kiên trì theo đuổi những mục tiêu cải cách và công bằng xã hội, cũng như công bố phúc âm của Chúa Cơ Đốc.

Thần học

Theo truyền thống, thần học Trưởng Lão được biểu thị qua các bản tín điều, nghĩa là các giáo lý được phổ biến trong giáo hội phải xứng hiệp với các tiêu chuẩn thần học. Một số giáo hội Trưởng Lão chấp nhận Tín điều Westminster là chuẩn mực thần học và các mục sư được yêu cầu phải công khai chấp nhận trong khi hai sách giáo lý Westminster (lớn và nhỏ) chỉ được chuẩn thuận để sử dụng trong việc dạy đạo. Nhiều giáo phái Trưởng Lão, nhất là ở khu vực Bắc Mỹ, chấp nhận bản Tiêu chí Westminster (Westminster Standards – bao gồm Tín điều Westminster và hai sách giáo lý Westiminster) là chuẩn mực thần học của họ, chỉ dưới Kinh Thánh. Những văn kiện này thể hiện khuynh hướng thần học Calvin, dù có một số phiên bản có chủ trương dung hoà như các văn kiện phổ biến ở Hoa Kỳ.